Tư vấn tiêu dùng
BÍ QUYẾT SỬ DỤNG BẾP ĐIỆN TỪ TIẾT KIỆM ĐIỆN
25/08/2017
Không chỉ giúp người nội trợ rút ngắn thời gian nấu nướng, tiết kiệm được chi phí mà bếp từ còn vô cùng an toàn cho người sử dụng.
1. Lựa chọn bếp:
Lựa chọn loại bếp là yếu tố quan trọng hàng đầu khi quyết định mua một sản phẩm bếp từ. Một chiếc bếp từ tốt, phù hợp sẽ giúp bạn dễ dàng và an toàn khi sử dụng, tiết kiệm điện năng. Chú ý lựa chọn mặt kính có khả năng chịu được ngoại lực tác động và nhiệt độ cao, giúp nhiệt dung không bị lãng phí ra ngoài trong quá trình nấu. Các mặt kính thường được nhiều người tin dùng như mặt kính Schott hoặc Kanger… Mâm từ với đường kính lớn, nhiều thanh hướng từ và chất lượng cuộn dây đồng cao sẽ cho tuổi thọ lâu dài và thời gian làm nóng nhanh hơn 50% so với các bếp từ thông thường. Bếp có chế độ khóa an toàn với trẻ em, thiết kế thông minh chống thấm nước, tự nhận diện vùng nấu, chế độ chống hoạt động quá tải, chức năng hẹn giờ đảm bảo an toàn khi nấu nướng. Hãy mua bếp từ của những hãng uy tín để đảm bảo công suất đúng như công bố.
2. Vị trí đặt bếp:
Bếp từ hiện là loại bếp an toàn nhất hiện nay, sử dụng dòng điện để nấu nên không gây cháy nổ, ngộ độc khí hay bị bỏng trong khi sử dụng. Tuy nhiên bạn cũng nên chú ý chọn kích thước phù hợp, đặt ở nơi bằng phẳng. Khi sử dụng không tăng hoặc giảm nhiệt độ đột ngột quá lớn. Tránh đặt bếp từ ở nơi có ánh nắng trực tiếp, nơi có lửa hoặc nhiệt độ quá cao và cần lựa chọn phích cắm chuyên dùng cho từng loại bếp.
3. Chọn nồi phù hợp
Bếp từ chỉ sử dụng được với những xoong nồi được chế tạo bằng kim loại nhiễm từ. Chất liệu nồi thích hợp nhất để dùng cho bếp từ là thép, sắt tráng men, thép không gỉ (inox) hay nồi có đáy từ. Nồi phải có đáy dày và phẳng để hấp thụ nhiệt tốt, tiết kiệm điện. Bạn tuyệt đối tránh sử dụng nồi sứ, nồi đất, thuỷ tinh hay nhôm, thép kém chất lượng.
4. Sử dụng bếp khi nấu nướng
Để tiết kiệm tối đa nhất, bạn nên chuẩn bị tất cả các đồ nấu trước khi bật bếp. Hạn chế bật, tắt nhiều lần làm giảm nhiệt lượng cũng như tiêu tốn điện năng. Không nên bật bếp ở nhiệt độ cao trong thời gian dài và phải giảm công suất khi nồi nấu thức ăn đã sôi. Khi đang nấu tránh để dao, đĩa, bát tráng men hay các loại vung nồi sắt lên bếp vì sẽ gây nguy hiểm. Khi nấu phải đặt nồi trong phạm vi quy định rồi mới bật công tắc điện. Tuyệt đối không sờ tay vào mặt bếp khi đang nấu hoặc sau khi nấu vì nhiệt độ từ nồi có thể gây bỏng. Sau khi không sử dụng, hãy tắt nguồn bếp nhưng không nên rút nguồn điện ngay lập tức.
5. Vệ sinh bếp từ:
Bếp từ hoạt động trên nguyên lý làm nóng bằng cảm ứng của sóng điện từ. Do vậy, bếp không tỏa khói, an toàn, hạn chế cháy nổ. Bề mặt bếp thường được làm bằng mặt kính cao cấp hoặc kính chịu nhiệt nên rất dễ vệ sinh, kể cả khi đang nấu. Chú ý lau bếp cả mặt trên và dưới. Khi lau chùi chỉ dùng khăn ẩm và mềm để vệ sinh bếp và bạn đừng quên tắt nguồn điện để đảm bảo sự an toàn.
6. Lưu ý thời gian bảo hành
Thời gian bảo hành càng kéo dài với một sản phẩm kỹ thuật công nghệ cao như bếp từ càng chứng tỏ độ bền của sản phẩm. Bạn cũng nên chọn mua của hãng uy tín để có hệ thống bảo hành rộng khắp, dễ dàng khi gặp sự cố. Hãy chọn bếp được cấp giấy có nguồn gốc rõ ràng. Lưu ý đến các giấy chứng nhận như CE – chứng nhận bắt buộc đối với hàng sản xuất từ Liên minh châu u, GS – chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm kỹ thuật với các yêu cầu an toàn theo Luật An toàn của Đức, CB – chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn quốc tế IEC…